Cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) được cho có thể là hung thủ đã quét sạch siêu cá mập Megalodon khổng lồ (Otodus megalodon) đến bờ vực tuyệt chủng.
Hàng triệu năm trước khi loài người xuất hiện, một loại cá mập dài tới 18m đã thống trị các đại dương đó là siêu cá mập Megalodon.
Dựa trên hóa thạch thu nhận được, các nhà khoa học nghi ngờ rằng loài siêu cá mập O. Megalodon tuyệt chủng cách đây khoảng 2,6 triệu năm, vào khoảng thời gian rất nhiều loài sinh vật biển khác bị tuyệt chủng.
Một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng việc chết hàng loạt của loài siêu cá mập có thể là kết quả của một vụ nổ siêu tân tinh.
Tuy nhiên, trong một báo cáo mới được công bố thì dường như các nhà nghiên cứu về loài siêu cá mập cần phải xem xét lại và những tính toán trước đó có thể có những sai lầm khoảng 1 triệu năm.
Trên tạp chí PeerJ, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lại hồ sơ hóa thạch của siêu cá mập Megalodon ở California và Mexico, nơi đã tìm thấy nhiều bằng chứng hoá thạch của loài cá mập khổng lồ.
Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu mới chỉ ra, những con cá mập khổng lồ dường như đã bị một loài săn mồi nhỏ hơn tận diệt.
Những con cá mập trắng lớn đã xuất hiện trên các đại dương khoảng 4 triệu năm trước, trước khi loài siêu cá mập bị tuyệt chủng.
"Chúng tôi đề xuất rằng quãng thời gian từ 3,6 đến 4 triệu năm trước là đủ thời gian để những con cá mập trắng lớn lan rộng khắp thế giới và vượt qua O. megalodon trong phạm vi của nó, đẩy nó đến chỗ tuyệt chủng", nhà nghiên cứu cổ sinh vật học của Đại học Charleston, Robert Boessenecker cho biết.
Boessenecker cũng cho rằng toàn bộ ý tưởng về một vụ tuyệt chủng có hệ thống là một khoảng trống cần xem xét chứ không phải là kết quả của một "thảm họa" như siêu tân tinh mà trước đây chúng ta từng nghĩ đến.
Theo Dantri